Thị trường bất động sản đang ‘ấm lên’
Thị trường bất động sản từ đầu năm đến nay ghi nhận lượng giao dịch đang tăng dần, nếu quý II/2023 thị trường ghi nhận 3.700 giao dịch, tăng 37% so với mức 2.700 giao dịch ở quý I, thì quý III đã ghi nhận gần 6.000 giao dịch, gấp 1,5 lần quý II và hơn 2 lần so với quý I.
Gia tăng giao dịch
Thông tin nói trên vừa được Hội môi giới BĐS Việt Nam (Vars) đưa ra trong một khảo sát mới nhất. Điều đó cho thấy, thị trường bất động sản (BĐS) ngày càng bộc lộ rõ những tín hiệu của sự “ấm lên”.
Báo cáo “Đánh giá tiến trình phục hồi thị trường BĐS Việt Nam quý III/2023 và dự báo tình hình thị trường quý IV/2023” của Hiệp hội BĐS Việt Nam (Vnrea) cũng chỉ rõ, thanh khoản trên thị trường BĐS trong quý III/2023 đã được cải thiện so với giai đoạn khó khăn cuối năm 2022 và những tháng đầu năm, thị trường bắt đầu ghi nhận nhiều “điểm sáng” tại các địa phương như: Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… những nơi được thúc đẩy đầu tư hạ tầng, giao thông, có nhiều nguồn cung phù hợp với nhu cầu.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh BĐS cho biết, thị trường chung cư, nhà đất tại các thành phố lớn hiện đã có dấu hiệu hấp thụ tốt, tập trung ở phân khúc giá dưới 10 tỷ đồng tại khu vực lõi trung tâm. Để tiếp tục duy trì chu kỳ tăng trưởng của thị trường hiện nay, cần có các cơ chế, chính sách cải thiện nguồn cung đang bế tắc. Các chính sách về BĐS cần hướng đến mọi tầng lớp trong xã hội.
Theo nhận định của TS. Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Vnrea, nhu cầu ở thật đang tăng cao và chắc chắn sẽ tăng cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, đô thị hóa… “Dự kiến tại Diễn đàn BĐS cuối năm 2023, Vnrea sẽ công bố các chỉ số BĐS, là cơ sở để các nhà phát triển dự án tham chiếu, để khi dự án hình thành có thể đáp ứng được từ 60 – 70% nhu cầu thật, đảm bảo các yêu cầu để thu hút sự nhà đầu tư trong và ngoài nước” – ông Đính cho biết.
Giới chuyên gia BĐS cũng nhận định, nếu các dự thảo Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, kéo theo các “nút thắt” về pháp lý, nguồn vốn được tháo gỡ, niềm tin của nhà đầu tư quay lại thị trường chính… sẽ là những điều kiện quyết định để thị trường thật sự trở về trạng thái bình thường.
Thị trường BĐS quý IV/2023 sẽ là bước đệm cho sự phục hồi thị trường từ năm 2024, đặc biệt tại những khu vực đang còn nhiều dư địa phát triển, có quy hoạch đồng bộ, hiện đại, hạ tầng được quan tâm, chú trọng đầu tư, mặt bằng giá chưa cao…
Những tín hiệu tích cực
BĐS là một trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, liên quan mật thiết tới các ngành: Xây dựng, tài chính, du lịch, sản xuất kinh doanh… Thời gian qua, thị trường và doanh nghiệp BĐS gặp nhiều khó khăn, có tới 70 – 80% số dự án đang tạm ngừng thi công, cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý, thiếu phân khúc nhà ở có giá phù hợp với người thu nhập thấp và doanh nghiệp (DN) khó tiếp cận nguồn vốn. Tuy nhiên theo ông Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), nếu như trước đây, các DN thường chờ đợi Chính phủ tháo gỡ khó khăn, thì nay nhiều DN đã chủ động, linh hoạt hơn trong việc giải quyết những vướng mắc chung của thị trường.
Dự báo về thị trường BĐS những tháng cuối năm 2023, nhiều chuyên gia cho rằng, một số phân khúc ở rất nhiều địa phương đã có dấu hiệu vượt “đáy”.
Theo TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia, tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam đang phục hồi và từ năm 2024 – 2025 sẽ tốt đẹp hơn; lạm phát và lãi suất ngân hàng đang giảm dần từ quý III/2023 tạo điều kiện cho nhà đầu tư dễ tiếp cận vốn; vướng mắc về pháp lý, thể chế cũng đang dần được tháo gỡ và thực thi; nguồn cung – cầu các dự án BĐS giá đang tiến tới cân bằng hợp lý hơn… Đó là những yếu tố góp phần vực dậy thị trường BĐS, đưa thị trường bước vào giai đoạn sàng lọc, lành mạnh hoá và thị trường.
Giới chuyên gia ngành địa ốc có nhận định chung, đến nay, niềm tin từ các nhà đầu tư đang dần được phục hồi, nhiều dự án mới bắt đầu mở bán trên thị trường, dẫn đến việc gia tăng số lượng giao dịch bất động sản.
Tuy nhiên, việc cải thiện nguồn cung nhà ở mới và sự ổn định của tâm lý của người mua vẫn đang diễn ra chậm chạp, cần nhiều thời gian để hoàn thiện các dự án mới. “Đồng thời, tâm lý của nhà đầu tư dù đang dần ổn định hơn nhưng vẫn khá thận trọng, đặc biệt là những người đang đối diện với áp lực tài chính từ các khoản đầu tư trước đây” – Phó Chủ tịch Vnrea Nguyễn Văn Đính nêu quan điểm, đồng thời dự báo, trong giai đoạn cuối năm 2023 – đầu năm 2024, thị trường bất động sản sẽ ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực hơn và sẽ ổn định dần trong khoảng cuối quý II và đầu quý II/2024.
Theo Thanh Xuân
Đại đoàn kết