Bất động sản mới nhất: Phân khúc tăng giá nhất, loại 12 dự án khỏi danh mục đấu giá, điều kiện cấp sổ hồng cho chung cư mini
Loại 12 dự án khỏi danh mục đấu giá quyền sử dụng đất, giá căn hộ cao cấp và đất nền tại TPHCM tăng gấp đôi sau 8 năm, điều kiện cấp sổ hồng cho chung cư mini… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.
Việc đưa Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở có hiệu lực sớm sẽ tạo áp lực cao trong việc hoàn thành các văn bản hướng dẫn chi tiết đảm bảo chất lượng, tiến độ theo yêu cầu. (Ảnh: Hải An) |
Tập trung hoàn thiện, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở
Trong 6 tháng cuối năm 2024, Bộ Xây dựng sẽ tập trung hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh BĐS năm 2023, bảo đảm chất lượng, tiến độ, có hiệu lực đồng thời với Luật.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Xây dựng đã ban hành, tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các đề án năm 2024, tham mưu ban hành các văn bản, đề án của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Riêng trong lĩnh vực nhà ở và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng đã tham mưu cho Chính phủ, Chính phủ trình Quốc hội thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh BĐS số 29/2023/QH15 và Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 với nội dung sửa đổi, bổ sung về hiệu lực thi hành các Luật này từ ngày 01/08/2024. Trong đó, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS có vai trò rất quan trọng, có tác động tới nhiều thực thể trong cuộc sống.
Việc đưa các Luật này có hiệu lực sớm mang đến nhiều lợi ích như tạo ra nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại, giải quyết vấn đề nhà ở cho lực lượng vũ trang, cải tạo chung cư cũ…
Tuy nhiên, việc đưa Luật Kinh doanh BĐS và Luật Nhà ở có hiệu lực sớm cũng sẽ tạo áp lực cao trong việc hoàn thành các văn bản hướng dẫn chi tiết đảm bảo chất lượng, tiến độ theo yêu cầu.
Triển khai thực hiện nhiệm vụ nêu trên, trong 6 tháng đầu năm nay, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét 5 Nghị định và 1 Quyết định quy định chi tiết thi hành Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh BĐS năm 2023. Các dự thảo Nghị định đều đã lấy ý kiến của thành viên Chính phủ. Sau đó, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, tiếp thu và giải trình các ý kiến để hoàn thiện các dự thảo Nghị định, báo cáo Chính phủ xem xét, ban hành.
Ngoài ra, Bộ cũng tiếp tục hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở, dự thảo Thông tư hướng dẫn về chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới BĐS, điều hành sàn giao dịch BĐS.
Từ nay đến cuối năm, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các đề án của Bộ Xây dựng năm 2024 theo đúng tiến độ yêu cầu.
Trong đó, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã nhấn mạnh nhiệm vụ ưu tiên hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh BĐS năm 2023, bảo đảm chất lượng, tiến độ, có hiệu lực đồng thời với Luật.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng có trách nhiệm tập trung theo dõi việc thi hành các Nghị định, Quyết định, Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh BĐS 2023 sau khi các văn bản này được ban hành.
Đối với các địa phương, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS Hoàng Hải đề nghị UBND và HĐND các tỉnh, thành phố theo thẩm quyền nghiên cứu ban hành các văn bản hướng dẫn việc thi hành Luật Nhà ở ngay trong tháng 7/2024. Việc này sẽ giúp đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về nhà ở từ Trung ương tới địa phương. Ngoài ra, các địa phương cũng cần phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng để tăng cường phổ biến các quy định pháp luật về nhà ở đến các tổ chức, người dân và doanh nghiệp.
Giá căn hộ cao cấp và đất nền tại TPHCM tăng gấp đôi sau 8 năm
Ngày 12/7, tại buổi giám sát chuyên đề của Quốc hội tại UBND TPHCM về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường BĐS và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến năm 2023”, ông Huỳnh Thanh Khiết – Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết, tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2015-2019 đã tạo cơ hội cho thị trường BĐS phát triển, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Bên cạnh việc bùng nổ các dự án BĐS, hiện thị trường thiếu hụt nguồn cung nhà ở vừa túi tiền, dẫn đến giá nhà bị đẩy lên cao. Giai đoạn 2020-2022, hoạt động kinh doanh BĐS chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Đến cuối năm 2023, thị trường mới có tín hiệu tích cực.
Theo ông Khiết, từ năm 2015 đến nay, tỷ trọng đóng góp của hoạt động kinh doanh BĐS vào GRDP của TPHCM ngày càng giảm. Năm 2015, kinh doanh BĐS đóng góp 4,73% GRDP, đến năm 2019 giảm còn 4,27% và năm 2023 chỉ còn 3,56%.
Về diễn biến giá cả thị trường, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết, trong giai đoạn 2015-2023, giá căn hộ chung cư tăng trung bình 15-20%/năm.
Đối với căn hộ bình dân, nếu như năm 2015 giá bán dao động từ 25-35 triệu đồng/m2 thì đến năm 2023 đã tăng lên từ 40-60 triệu/m2. Căn hộ trung cấp từ mức giá 35-50 triệu đồng/m2 tăng lên 50-70 triệu đồng/m2. Phân khúc căn hộ cao cấp tăng mạnh nhất khi từ mức 50 triệu/m2 lên thành 70-100 triệu/m2.
Thống kê cho thấy, đến năm 2023, giá căn hộ chung cư tại khu trung tâm TPHCM dao động từ 80-200 triệu đồng/m2. Giá bán căn hộ ở vùng ven dao động từ 30-60 triệu/m2.
Tương tự căn hộ cao cấp, giá bán đất nền tại TPHCM cũng tăng “chóng mặt”, từ mức 50-150 triệu đồng/m2 vào năm 2015, đến năm 2023 đã lên 100-300 triệu đồng/m2.
Đối với loại hình nhà phố, mức tăng giá trong giai đoạn 2015-2023 thấp hơn loại hình căn hộ chung cư, cụ thể từ 10-15%/năm.
Ông Huỳnh Thanh Khiết đánh giá, những năm qua, nguồn cung nhà ở tại TPHCM vẫn khan hiếm, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Hiện nay, mỗi năm có thêm 200.000 người có nhu cầu mua nhà ở. Trong khi đó, giá nhà liên tục tăng, tập trung ở phân khúc trung và cao cấp. Điều này dẫn đến người thu thập thấp, công nhân ngày càng khó tiếp cận nhà ở.